Lịch sự đèn trang trí Tiffany

Những người sành điệu trên thế giới tìm mua kim cương và các loại trang sức khác từ Tiffany vì chất lượng thượng hạng, kiểu mẫu mới lạ và sự tận tâm, kỹ càng của người thợ khi hoàn thành sản phẩm.

Đó cũng là những tiêu chuẩn mà từ hơn 150 năm trước đây, Charles Lewis Tiffany, người sáng lập công ty đã đặt ra nhằm chinh phục được sự tin tưởng của thành phần giàu có và giới quý tộc tại Hoa Kỳ cũng như Châu Âu.
 
Theo thời gian, Tiffany & Co., đã trở thành nhà kim hoàn cho hầu hết các giòng dõi vua chúa ở khắp Âu Châu, kể cả nữ hoàng Anh Victoria. Cửa tiệm Tiffany từng bán không biết bao nhiêu món trang sức giá trị cho những nhân vật nổi tiếng quyền thế và giàu có nhất ở New York như Astor, Vanderlbilt và Stanford White.

Charles Lewis Tiffany là hậu duệ của Humphrey Tiffany, người đã ở trong đợt di dân đầu tiên đến vùng Vịnh Massachusetts năm 1660, và đã đi từ vai trò trông coi cửa hàng tạp hóa nhỏ của gia đình ở vùng đông Connecticut lên chức chủ tịch công ty Tiffany & Co., công ty hàng đầu của ngành kim hoàn tại Hoa Kỳ.
 
Cha của ông, một chủ hãng dệt, đã dựng lên một cửa hàng tạp hóa cho con mình đứng trông coi khi chỉ mới 15 tuổi. Sau đó, ông vào xưởng làm việc với cha, và cũng để học nghề trông coi điều khiển một công ty lớn.

Lịch sử của công ty Tiffany & Co., bắt đầu từ năm 1837 khi Charles Lewis Tiffany và người bạn từ thuở ấu thơ John Young lên New York City để mở một cửa hàng chuyên bán những món đồ đắt tiền với số vốn 1.000 USD do cha ông cho mượn.

Một trong những đặc điểm của cửa hàng này là tất cả món đồ trong tiệm đều có ghi giá bán rõ ràng và yêu cầu không trả giá.

Trong ngày đầu tiên, ông chỉ bán được 4.9 USD, nhưng sang đến những ngày sau đó thì khách hàng nô nức kéo đến cửa tiệm của ông để tìm mua những món đồ lạ, không hề thấy bày bán ở nơi khác.
 
Năm 1848, John Young sang Pháp tìm mua hàng, đúng vào lúc vương triều Louis Philippe sụp đổ và trong hoàn cảnh hỗn loạn, người ta đem kim cương đi bán khắp nơi. Young mua lại tất cả những viên kim cương mà người ta gạ bán, kể cả một số nữ trang trước kia từng thuộc quyền sở hữu của hoàng hậu Marie Antoinette.

Trở về Hoa Kỳ, Young và Charles Lewis trưng bày những món nữ trang quý hiếm mua được từ Pháp. Danh tiếng của cửa tiệm Tiffany từ đó nổi lên như cồn!

Một thời gian sau, Charles Tiffany đưa ra cuốn catalogue đầu tiên, bên trong có hình ảnh và chú thích thật rõ ràng. Sự say mê của ông đối với việc làm đồ bạc, đặc biệt là những chiếc muỗng bạc chạm trổ cầu kỳ, đã giúp công ty đoạt giải thưởng cao quý "Award of Merit" tại hội chợ đấu xảo Paris năm 1867. Đây cũng là lần đầu tiên một công ty Hoa Kỳ lọt vào mắt xanh của các giám khảo ở Châu Âu.

1 Bình luận:
binh-luan

Teodoro Gosse

13/05/2022

https://youtu.be/uqku45tpKb8

Viết bình luận